Tỉnh Điện Biên có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các công trình hạ tầng điện, đường, trường, trạm... đã và đang hoàn thiện, đặc biệt, điện lưới đã về những bản làng xa nhất, khó khăn nhất trên địa bàn.

Tới đầu tháng 5/2024, tại huyện Điện Biên Đông, tất cả 198 thôn, bản và thị trấn sẽ có điện lưới quốc gia. Xác định việc có điện lưới để người dân có cơ hội tiếp cận với ánh sáng văn minh, tự lực vươn lên nên nhiều nguồn lực đã được huyện huy động để đầu tư. Từ năm 2023, TP Hồ Chí Minh tham gia đồng hành, hỗ trợ 50 tỷ đồng cho chương trình kéo điện.

Các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và Tủa Chùa cũng đang đẩy nhanh tiến độ các công trình và huy động các nguồn xã hội hóa. Toàn tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến hết năm 2025, trên 98% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia.

Trong suốt 70 năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng giáo dục vẫn luôn là ưu tiên trong xây dựng và phát triển mảnh đất Điện Biên. Trong đó, việc kiên cố hóa các trường học, xóa các lớp học tạm là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được quan tâm, chăm lo; đảm bảo cho học sinh vùng đồng bào dân tộc đều được tới trường.

Diện mạo mới đã đến với nhiều bản làng của Điện Biên đó là những mái trường, lớp học ngày càng khang trang hơn. Những giáo viên ở vùng sâu, vùng xa yên tâm bám trường, bám lớp Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu học tập, giảng dạy là điều kiện tiên quyết nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn các tỉnh miền núi, biên giới khó khăn như Điện Biên.

Tại các huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các trạm y tế xã có vai trò quan trọng. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho người dân còn nhiệm vụ nữa là vận động bà con tham gia bảo hiểm y tế. Việc này vừa giảm đáng kể chi phí khám, chữa bệnh đồng thời giúp loại bỏ nhiều hủ tục của người dân.

Điện Biên đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Điện Biên đang triển khai nhiều giải pháp, mô hình linh hoạt giúp người dân từng bước tăng thu nhập, có tích lũy tiến tới giảm nghèo bền vững.

Các huyện của tỉnh tiếp tục được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội. Các nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ hỗ trợ nguồn lực xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở tại các huyện, thị của Điện Biên, để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo tại đây.